email HỖ TRỢ marketing@mkgroup.com.vn
Hotline Hà Nội (+84) 903 481 456
Hotline TP.HCM (+84) 988 476 756
0

Nilson: Ngành công nghiệp thẻ “hái quả ngọt” từ những nỗ lực chống gian lận

13/03/2023 16:05

Theo báo cáo mới nhất của Nilson, thiệt hại do gian lận thẻ gây ra trên toàn cầu đã lên đến 32,34 tỷ USD trong năm 2021, tăng khoảng 14% so với 28,43 tỷ USD vào năm 2020. Chỉ tính riêng ở Mỹ, thiệt hại do gian lận thẻ gây ra trong năm 2021 đã lên tới 11,91 tỷ USD, tăng 18% so với 10,09 tỷ USD vào năm 2020.

Đến năm 2031, thiệt hại do gian lận thẻ gây ra trên toàn cầu dự kiến sẽ lên tới 47,22 tỷ USD trên tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ ước tính là 73,86 nghìn tỷ USD. Chỉ tính riêng ở Mỹ, thiệt hại do gian lận sẽ lên tới 19,24 tỷ USD trong cùng kỳ, với tổng giá trị giao dịch thẻ ước tính đạt 19,38 nghìn tỷ USD.

Theo báo cáo, xu hướng gia tăng tổn thất nêu trên là do chi tiêu bằng thẻ tiếp tục được thúc đẩy. Trên toàn cầu, tổng giá trị thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước đạt mức 48,96 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Tại Mỹ, tổng giá trị giao dịch bằng thẻ đạt 11,27 nghìn tỷ USD trong cùng kỳ, tăng 20% so với năm 2020.

Tuy vậy, báo cáo nhận định “đường cong đang đi xuống”, với tỷ lệ gian lận thẻ tính theo đơn vị cent/100 USD tiếp tục giảm. Ở Mỹ, thiệt hại do gian lận là 10,6 cent/100 USD vào năm 2021, so với 10,7 cent/100 USD trong năm 2020.

Cũng theo báo cáo, các công ty thẻ hiện sử dụng công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo để cải thiện năng lực chống gian lận, do vậy “khả năng phát hiện những xu hướng mới của giới lừa đảo chuyên nghiệp ngày càng tốt hơn”, qua đó hạn chế đáng kể những thiệt hại do kẻ gian gây ra. Kết quả này đã khiến các đối tượng lừa đảo rời bỏ lĩnh vực thẻ và chuyển sang tấn công những lĩnh vực mới mẻ hơn như tiền điện tử, vốn không có nhiều biện pháp phòng chống gian lận.

Báo cáo ước tính Mỹ phải gánh chịu khoảng 37% tổng thiệt hại trên toàn cầu do gian lận, mặc dù nước này chỉ chiếm 23% tổng giá trị giao dịch thẻ. Tỷ lệ thiệt hại do gian lận cao hơn ở Mỹ một phần là do lượng mua hàng bằng thẻ tín dụng tăng 25%, sau khi giảm 8,8% vào năm 2020. Nilson giải thích: “Ở bên ngoài nước Mỹ, chi tiêu qua thẻ chủ yếu là thanh toán bằng thẻ ghi nợ dựa trên mã PIN, vốn có khả năng chống gian lận tốt hơn”.

Ngoài ra, khối lượng giao dịch trực tuyến (CNP) - vốn dễ bị gian lận hơn - tiếp tục gia tăng ở Mỹ và góp phần làm trầm trọng thêm những tổn thất. Nilson cho biết doanh số bán hàng trực tuyến đã bùng nổ trong thời kỳ thương mại điện tử do đại dịch COVID-19 và đó “thực sự là nơi gian lận tiếp tục hoành hành mạnh hơn”.

Báo cáo của Nilson đánh giá phần lớn trường hợp gian lận trong năm 2021 xảy ra trên các loại thẻ của những thương hiệu toàn cầu - gồm Visa, Mastercard, American Express, Discover/Diners Club, UnionPay và JCB, gây ra tổng mức thiệt hại lên tới 29,11 tỷ USD, cao hơn 16% so với năm 2020. Các loại thẻ khác chiếm phần nhỏ trong những trường hợp gian lận vào năm 2021 bao gồm: thẻ ATM không được xử lý trên các hệ thống thẻ lớn chịu thiệt hại 1,29 tỷ USD; thẻ nội địa chiếm 1,26 tỷ USD; và thẻ thương hiệu hiệu riêng do các hãng hàng không, cửa hàng và các doanh nghiệp khác phát hành chịu tổn thất 67 triệu USD.

Nilson cũng ghi nhận xu hướng suy giảm trong hình thức gian lận ATM, bởi các hệ thống thẻ lớn đã nâng cao năng lực phát hiện gian lận và nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để chặn đứng những âm mưu đó. Báo cáo kết luận các loại thẻ thương hiệu riêng được chuyển đổi thành thẻ đồng thương hiệu Visa và Mastercard đã hưởng lợi từ khả năng chống gian lận của hai hệ thống này.

- Theo PaymentDive -