World Bank: ID Chính phủ vẫn còn hạn chế về khả năng kỹ thuật số
26/02/2024 10:47Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hiện ước tính có ít nhất 850 triệu người không có hình thức nhận dạng pháp lý trên thế giới, và còn có thêm vài triệu người không có bất kỳ ID "có thể nhận dạng kỹ thuật số" nào.
Trong bản cập nhật "Bộ dữ liệu toàn cầu Nhận dạng để Phát triển (Identification for Development - ID4D)" của World Bank phân tích giai đoạn 2021-2023, được công bố cách đây vài ngày, đã nêu rõ những vấn đề xoay quanh khả năng kỹ thuật số của các hệ thống nhận dạng do chính phủ điều hành trên ba khía cạnh quan trọng. Các khía cạnh này bao gồm dữ liệu số (dữ liệu được lưu trữ ở định dạng kỹ thuật số chứ không phải trên giấy tờ vật lý); xác minh kỹ thuật số trực tiếp (xác minh thông tin tiểu sử bằng phương pháp kỹ thuật số) và xác thực danh tính kỹ thuật số trực tuyến (xác thực danh tính từ xa an toàn bằng thông tin xác thực kỹ thuật số).
Theo báo cáo, ngoài 850 triệu người hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân, ước tính hiện có 1,1 tỷ người không có hồ sơ kỹ thuật số về danh tính của họ; 1,25 tỷ người không có danh tính để có thể xác minh bằng kỹ thuật số; trong khi còn 3,3 tỷ người những người khác không có quyền truy cập vào danh tính kỹ thuật số được chính phủ công nhận để thực hiện các giao dịch trực tuyến một cách an toàn, mặc dù hệ thống ID ở hầu hết các quốc gia đều dựa vào dữ liệu kỹ thuật số.
Theo thống kê, hệ thống ID ở hơn 90% (186 trên 198) quốc gia trên toàn cầu hiện dựa vào dữ liệu kỹ thuật số; ít nhất 2/3 số quốc gia có hệ thống nhận dạng cung cấp ít nhất một loại xác minh hoặc xác thực danh tính kỹ thuật số cơ bản cho các giao dịch trực tiếp; và khoảng 40% các quốc gia (chủ yếu là các quốc gia có thu nhập cao) có hệ sinh thái ID kỹ thuật số cho phép xác thực an toàn, hoàn toàn từ xa cho các giao dịch trực tuyến.
Báo cáo này là báo cáo thứ hai trong ba báo cáo của ID4D và chỉ cung cấp thông tin nhanh về tình hình thực tế tính đến tháng 7 năm 2022. Báo cáo được tổng hợp lại nhờ dữ liệu do cơ quan ID cung cấp vào năm 2021 và 2022; dữ liệu được cung cấp bởi các chuyên gia pháp lý trong nước trong Khảo sát quy định dữ liệu toàn cầu của Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2021, cũng như lấy từ nghiên cứu tài liệu.
Các tác giả của báo cáo cho biết họ hy vọng những phát hiện này sẽ giúp “giải mã hơn nữa khả năng kỹ thuật số của hệ thống ID kỹ thuật số và cách chúng được sử dụng trong thực tế” trên quy mô toàn cầu.
- Theo BiometricUpdate -